A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xóm “Chạy thận”

Trong cái nắng hanh vàng, gió hắt hiu của những ngày tháng Giêng, chúng tôi được cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến thăm xóm trọ nằm lấp phía sau Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Xóm “Chạy thận” mà chúng tôi được nghe kể, vừa lạ, vừa quen, khiến tôi mường tượng ra những số phận phải sống chung với bệnh tật cả đời, cơ cực, không biết đến ngày mai.

Chồng ốm, vợ nuôi; vợ ốm, chồng bỏ

Toàn bộ bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh và người nhà của họ ở xóm “Chạy thận” được vợ chồng anh Tô Mạnh Cường và chị Nguyễn Thị Chinh (tổ 22, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) cho ở miễn phí. Ở đến khi nào không còn nhu cầu nữa thì trả lại cho chủ nhà. Nhưng việc đó ông bà chủ cũng chẳng bao giờ mong muốn bởi khi họ không ở nữa, thì cũng có nghĩa sự sống của những bệnh nhân chạy thận ở đây đang dừng lại.

 Ông chủ nhà trọ trao những món quà của các nhà hảo tâm cho các bệnh nhân chạy thận ở tại phòng trọ của gia đình.

Chúng tôi ghé thăm phòng trọ xây cấp 4 kiên cố của anh Đào Văn Vệ (SN 1979, quê ở xã Bum Nưa, huyện Mường Tè). Dường như ai đã đến giai đoạn phải chạy thận đều có chung đặc điểm đó là người mệt mỏi, da nhăn, xám xịt, mắt thâm quầng đờ đẫn. Anh Vệ cũng thế. Sau khi xây dựng gia đình, có con, anh Vệ tập trung chăm chỉ làm ăn để là chỗ dựa vững chắc cho vợ, con. Làm nhiều, có lúc mệt mỏi, thi thoảng thấy đau bụng nhưng anh chỉ nghĩ rằng: Sức mình khỏe thế này, chắc lao động quá sức nên người mệt đó thôi!. Thế nhưng những cơn đau đến ngày càng dai dẳng, thời điểm dài nhất là 4 – 5 ngày, thấy không ổn anh ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, bác sỹ trả kết quả anh bị mắc bệnh thận mức độ 3. Vẫn không tin vào sự thật phũ phàng đó, anh lại về gom góp thêm những đồng tiền tích cóp của 2 vợ chồng về bệnh viện tuyến trung ương khám. Chút hi vọng mong manh cuối cùng đã không đến với anh khi bác sỹ kết luận: Anh đã mắc bệnh thận ở giai đoạn nguy hiểm nhất. Từ đó đến nay đã gần 1 năm, cứ cách 1 ngày anh lại phải đến bệnh viện chạy thận 1 lần, lần nào đến lịch mà không chạy kịp thời, cả cơ thể, tay chân, khuôn mặt anh phù nề, huyết áp cao và khó thở.

Vậy là bao nhiêu dự định, tính toán cho tương lai của anh đều phải ngưng lại. Nhưng, người đầu ấp, tay gối đã cùng anh đi hết những năm tháng thanh xuân và cũng sẽ đi cùng anh tiếp những tháng ngày tới chính là người vợ tảo tần. Những hôm đi chạy thận về thức trắng đêm, chị thức cùng anh vơi bớt những đêm dài. Hai đứa con của anh, đứa lớn đã biết tự xoay xở nuôi em ăn học, để mẹ yên tâm chăm bố. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, vợ anh xin ông bà chủ nhà trọ cho làm thuê với tiền công 200 nghìn đồng/ngày.

Mỗi cuộc đời, mỗi thân phận ở xóm trọ đều gieo vào lòng chúng tôi những day dứt, xót xa. Nhưng đắng cay và tủi cực nhất là số phận chưa biết đi về đâu của mẹ con chị Tẩn Thị Nhính (bản Nà Phát, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên). Có lẽ ông trời thương chị và những đứa con bơ vơ không có bàn tay cha chăm sóc nên dù chị có phải vừa chữa bệnh vừa kiếm tiền nuôi con thì sức khỏe của chị vẫn khả quan hơn những bệnh nhân khác. Xoa lên những chỗ gồ ghề nơi cánh tay đang phải gắn cầu thận, ánh mắt chị Nhính buồn da diết, dấu đi những giọt nước mắt khi nói về cuộc đời mình: “Vợ chồng em lấy nhau sinh được 3 cháu. Hai cháu đầu đang tuổi ăn, tuổi lớn và đang đi học ở trường huyện. Cháu thứ 3 năm nay được 12 tuổi nhưng bị bệnh máu trắng phải nghỉ học. Có lần cơ thể cháu thiếu chất sắt nên chảy máu cam. Đầu năm ngoái, chồng em nói để anh về Hà Nội kiếm việc làm thêm thu nhập mới đủ chu cấp cho 3 mẹ con. 3 tháng đầu anh đi thì liên lạc về đều đặn nhưng những cuộc gọi cứ thưa dần. Bây giờ liên lạc với anh qua điện thoại, zalo, face book đều bị chặn, không biết anh đang ở đâu. Vậy là giờ đây vừa bệnh tật, 1 tay em nuôi 3 đứa con, ông bà nội ngoại 2 bên đều không còn. Em dù phải chạy thận nhưng vẫn phải tranh thủ từng ngày từng giờ đi rửa bát thuê, dọn nhà nghỉ, nhặt ve chai hoặc ai thuê làm gì mà phù hợp với thời gian và gắng gượng được thì em cứ cố. Nhiều đêm nằm nghĩ về các con, không khóc mà nước mắt cứ tuôn ra”.

Những thân phận nghiệt ngã ấy không phải ở mỗi Tẩn Thị Nhính, còn có nhiều cuộc đời chung cảnh ngộ. Thực tế bẽ bàng đó giúp chúng ta chiêm nghiệm thêm về cuộc đời này: Chỉ người phụ nữ mới có thể đạp lên tất cả những đắng cay, tủi cực, đau đớn, quên cả thân mình để lo cho những đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Còn những người chồng, người cha, họ không đủ kiên nhẫn và tình yêu thương để bao dung, rộng lượng và chở che cho người vợ và cả những đứa con mình.

Xót xa những mảnh đời

Ở xóm thận này mấy ai có đủ tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc của mọi người? Dường như họ đều bị bỏ mặc vì đã mang căn bệnh quái ác là phải sống chung với cầu thận, với đường truyền và với căn phòng lạnh lẽo ở bệnh viện trong mỗi lần chạy thận. Chưa hết, họ còn phải đối mặt với những đêm mất ngủ triền miên sau mỗi lần chạy thận về. Trong người bứt rứt, khó chịu; mỗi lần trễ lịch chạy thận, thân người mặt mũi phù nề vì chức năng của thận đã suy giảm đến mức nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc khi huyết áp cao sẽ phá hủy bộ lọc cầu thận khiến cho các chất cặn bã, độc hại của cơ thể không được đào thải mà tích tụ trong mạch máu.

Cháu Lò Văn Xôm (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường) năm nay 15 tuổi, cái tuổi được ví tròn trịa như trăm rằm, đẹp nhất của lứa tuổi thần tiên nhưng nhiều người lầm tưởng cháu chỉ mới lên 10. Vậy mà cháu đã phải gắn bó với phòng chạy thận nhân tạo 3 năm nay. Nhìn các bạn cùng trang lứa khỏe mạnh, cắp sách đến trường, Xôm thèm khát lắm nhưng vì bệnh tật nên không ước mơ, không khát khao gì. Mẹ em đã phải bỏ hết nhà cửa, công việc lên thành phố để chăm con, tất cả nguồn thu đều đổ dồn lên vai người bố. Thương con, bố Xôm cần mẫn làm việc, kiếm tiền, mỗi tháng lại thu xếp lên thăm con 1 lần cho đỡ nhớ.

Còn với Phùng Mý Dao (thị trấn huyện Sìn Hồ) cũng chỉ hơn Xôm vài tuổi, em cũng không nhớ mình chạy thận ở đây được bao năm, chỉ biết rằng, chẳng bao giờ được nhìn thấy mẹ đến thăm một lần. Bởi lẽ từ khi biết con mắc bệnh, mẹ của Dao cố gắng kiếm thêm chút tiền với quyết tâm là đi ghép thận cho con nên đã rơi vào vòng xoáy của đồng tiền khi nào không biết. Trong một lần vận chuyển trái phép chất ma túy, mẹ của Dao đã bị bắt và chấp hành hình phạt tù từ đó. Giờ đây, bố em đã già, các anh, chị đều có gia đình phải lo cho cuộc sống riêng, chỉ có thể phụ với em một chút tiền sinh hoạt. Thi thoảng thu xếp được công việc mới lên thăm. Cũng như suy nghĩ của nhiều bệnh nhân suy thận khác, sống thêm được ngày nào thì vui ngày đó nhưng có nhìn vào sâu thẳm ánh mắt buồn rười rượi của Dao mới thấy thương hơn những phận người.

Có lẽ, ở xóm “chạy thận” này, chẳng có ai vui hơn ai, cũng không có ai buồn hơn ai, bởi họ đều giống nhau cả. Họ vui cùng nhau, cười cùng nhau, khóc cùng nhau và… thức cùng nhau trong những đêm dài không ngủ nổi. Mỗi khi người nào có anh em, người thân gửi cho chút quà, thì đó cũng là niềm vui của cả xóm. Họ chia cho nhau những món quà vật chất thì ít, mà giá trị tinh thần thì nhiều để vơi đi những đau đớn của bệnh tật, những cô đơn của số phận.

Kể lại những ngày Xuân Tân Sửu 2021 vừa qua, chị Nhính lau khô những giọt nước mắt, giọng khấp khởi: Tết vừa qua, chúng tôi được các nhà hảo tâm cho thực phẩm, bánh chưng, cho cả củi để đun nấu và tiền tiêu tết nữa. Những bệnh nhân ở đây đã có một đêm giao thừa đáng nhớ và đong đầy niềm vui. Chúng tôi được vui, được cười và được cùng nhau chờ đón thời khắc giao thừa. Đây không phải là nơi chúng tôi được sinh ra, nhưng đã trở thành nơi cứu rỗi tâm hồn, nhen lên niềm lạc quan để chúng tôi quên đi nỗi đau, chiến đấu với bệnh tật, giành dật lấy sự sống tươi đẹp này.

Lãnh đạo, cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đơn vị hảo tâm trao quà cho các bệnh nhân tại xóm “Chạy thận”.

Chia tay xóm thận, chúng tôi được ông bà chủ nhà cho biết họ đang có kế hoạch xin các cơ quan đơn vị miễn, giảm tiền điện, nước sinh hoạt cho những bệnh nhân đang ở trọ tại đây. Và vui hơn nữa là ngày càng nhiều có các tổ chức, cá nhân hảo tâm quyên góp hỗ trợ để trao tặng họ những món quà ý nghĩa, thiết thực cho cuộc sống. Sự quan tâm, yêu thương, san sẻ của cộng đồng giống như những ngọn nến lung linh nhen lên tia sáng của tình đời, tình người để không còn ai phải ở lại phía sau.

Bài, ảnh: Thu Trang


Tác giả: Thu Trang
Nguồn:baolaichau.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
VĂN BẢN
Thư viện ảnh