Khoa nhi bệnh viện đa khoa tỉnh áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục điều trị cho trẻ 10 tháng tuổi bị nhiễm khuẩn huyết/tổn thương thận cấp
Ngày 30/9/2024 Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận Bé C.A.P (10 tháng tuổi, Ở Bản Huổi Chát – Xã Nậm Manh – Huyện Nậm Nhùn – Tỉnh Lai Châu) được chuyển từ Trung tâm y tế Huyện Nậm Nhùn lên trong tình trạng đã đặt ống NKQ có o xy hỗ trợ. Được gia đình cho biết cháu là con thứ 6, ở nhà cháu bị bệnh 2 ngày nay sốt cao liên tục kèm nôn nhiều, ho khó thở tăng dần, bú kém, đi ngoài bình thường, gia đình mua thuốc nam về cho uống. Sau đó cháu khó thở tăng lên li bì, dịch dạ dày nâu đen gia đình đưa đến TTYT huyện cấp cứu, đặt ống NKQ chuyển bệnh viện đa khoa Tỉnh.
Khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, bé C.A.P li bì, thở yếu, da kém hồng, trên da có nhiều nốt do kim châm, đồng tử 2 bên 1mm, phản xạ ánh sáng chậm, tiểu ít. Sau khi vào viện, trẻ được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả cho thấy có tình trạng rối loạn điện giải nặng: tăng Kali máu: 5.6mmol/l), kèm toan chuyển hoá nặng, rối loạn đông máu nặng, PCT tăng cao, Ure, creatinin tăng cao được hội chẩn chẩn đoán: Suy hô hấp mức độ nặng/ Nhiễm trùng huyết/Viêm phổi nặng tràn khí màng phổi 2 bên/Tổn thương thận cấp/Suy đa tạng/Ngộ độc thuốc nam.
Bs CKI. Bùi Thị Hoài - Phó trưởng khoa Nhi kiểm tra thông số máy lọc máu liên tục cho bệnh nhân C.A.P
Sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân diễn tiến càng nặng, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định áp dụng biện pháp lọc máu liên tục phối hợp với các biện pháp hồi sức tích cực cho trẻ. Sau 24h điều trị, bước đầu qua cận lâm sàng cho thấy trẻ đáp ứng với phương pháp lọc máu liên tục như: Trẻ hết toan chuyển hóa, tình trạng rối loạn điện giải đã được kiểm soát ổn định, Kali trở về mức bình thường 4,1, suy thận được cải thiện. Hiện tại khoa đang hồi sức tích cực cho trẻ, duy trì thở máy, kháng sinh kết hợp, dịch nuôi dưỡng cho trẻ.
Theo Bs CKI. Bùi Thị Hoài – Phó trưởng khoa Nhi cho biết: Lọc máu trẻ em là một trong những kỹ thuật cao, khó được ứng dụng trong lĩnh vực hồi sức nhằm cứu sống những bệnh nhân bệnh nặng, tổn thương nhiều cơ quan. Với kỹ thuật này máu của bệnh nhân được lấy ra khỏi cơ thể được loại bỏ các yếu tố gây hại, sau đó trả lại máu “sạch” cho bệnh nhân. Lọc máu liên tục được thực hiện trên những bệnh nhân nặng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Đây được xem như một trong những kỹ thuật cao cuối cùng để cứu sống những bệnh nhi mắc một số bệnh lý nội khoa nặng.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu luôn hướng tới sự phát triển thực hiện những kỹ thuật phức tạp, kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng cao khả năng điều trị, chăm sóc bệnh nhân, đáp ứng được kỳ vọng chuyên môn của nhân dân trong tỉnh. Qua đó thắp sáng niềm hy vọng cứu sống được nhiều bệnh nhi nặng.
Tổ CTXH