CẤP CỨU THÀNH CÔNG CA THAI ĐỦ THÁNG SA DÂY RAU TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH LAI CHÂU.
Sa dây rốn (dây nhau) là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông hoặc do khi bị sa dây rốn ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không được cấp cứu kịp thời tình trạng sa dây rốn có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Sa dây rốn là biến chứng thường gặp xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc sa dây rốn, cần được cấp cứu kịp thời trong vòng 30 phút thì may ra mới cứu được trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn khi chuyển dạ (sinh đẻ nhiều lần); thai (ngôi thai bất thường); phần phụ (đa ối...); bấm ối khi ngôi còn cao lỏng... Cho đến nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh tai biến này, các thai phụ cần đi khám thai định kỳ; bác sĩ có thể phát hiện yếu tố nguy cơ để cảnh báo cũng như tư vấn chọn nơi đẻ an toàn (có điều kiện mổ đẻ).
Sáng ngày 10/3/2025, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận sản phụ Chang Thị D, Sinh năm 2002, Dân tộc: Mông, vào viện trong tình trạng: có thai lần 3 khoảng 39 tuần (2 lần trước sinh thường); Xuất hiện đau bụng cơn từ 4h sáng cùng ngày kèm ra nước âm đạo, đến 7 giờ thấy đau bụng tăng dần, có dây rốn ra ngoài âm đạo gia đình đưa sản phụ vào viện.
Tại phòng khám phụ sản: Bác sĩ Nguyễn Thị Trà My nhận định tình trạng sức khỏe của sản phụ tương đối ổn định, chỉ số sinh tồn ổn định, đang trong giai đoạn chuyển dạ 1B, cơn co tử cung tần số 2/3, cổ tử cung mở 3 cm, ngôi chúc, ối vỡ hoàn toàn (ối vỡ sớm). Tuy nhiên tình trạng của thai đang trong tình trạng nguy hiểm vì dây rốn sa bên ngôi ra ngoài âm đạo ~ 40cm, còn mạch đập, đang có tình trạng suy thai chậm. Sản phụ được chẩn đoán: Thai 39 tuần chuyển dạ lần 3 giai đoạn 1B, ối vỡ sớm, sa dây rau, suy thai chậm; Đây là một trong những tai biến sản khoa nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể bị tử vong trong thời gian ngắn. Trong tình trạng khẩn cấp đó, sản phụ đã được Bác sĩ, Nữ hộ sinh phòng khám phụ sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu nhanh chóng khởi động quy trình xử trí tối cấp cứu đưa ngay sản phụ lên phòng mổ để phẫu thuật mổ lấy thai ngay; đồng thời báo cáo lãnh đạo bệnh viện, mời các khoa hồi sức cấp cứu, khoa Gây mê phẫu thuật, khoa Nhi hỗ trợ cấp cứu quá trình trong mổ và sau mổ. Kết quả đến 9h đã mổ cấp cứu thành công sản phụ và bé trai ~3200gr. Hiện tại sản phụ tỉnh, các chỉ số sinh tồn ổn định, vết mổ không chảy máu, tử cung co chắc, sản dịch ra vừa. Con: hồng hào,bú mẹ tốt, phản xạ và trương lực cơ tốt, đại tiểu tiện bình thường. Gia đình sản phụ và các cán bộ bệnh viện rất vui mừng vì đã có kết quả điều trị tốt cho sản phụ và thai./.
Lưu ý cho sản phụ sa dây rốn:
- Khi cảm thấy những dấu hiệu bất thường: dây rốn trong vùng kín, thai nhi đạp ít hoặc đạp nhiều...thì cần gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt.
- Không cố đẩy dây rốn trở lại tử cung.
- Trong lúc chờ xe đến nên tránh chèn ép dây rốn bằng cách duy trì tư thế quỳ gập gối, úp mặt và khuỷu tay, bàn tay xuống sàn nhà.
- Tránh ăn uống trước khi sinh để chuẩn bị cho cuộc sinh mổ.
Một số hình ảnh cấp cứu thành công bệnh nhân sa dây rau
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |