A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH CÚM Ở TRẺ EM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Theo ghi nhận của Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, trong những tháng gần đây, số lượng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Trong đó các trường hợp mắc bệnh cúm, đặc biệt là cúm A có biến chứng cần chỉ định nhập viện điều trị. Mặc dù cúm mùa là bệnh phổ biến ở nước ta và xảy ra hằng nam nhưng những hiểu biết đầy đủ của cha mẹ về bệnh cúm còn chưa đây đầy đủ dẫn đến tâm lý chủ quan hoặc lo lắng quá mức. Nhiều trường hợp cha mẹ tự ý mua thuốc kháng Virus cho trẻ uống không đúng chỉ định gây ra ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ phụ huynh có những kiến thức cơ bản về bệnh cúm ở trẻ em.

Ảnh minh họa

BỆNH CÚM LÀ GÌ?

  • Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan nhanh theo đường hô hấp, do vi rút cúm A, B, C, Á cúm gây ra với nhiều subtype khác nhau.
  •  Bệnh diễn biến đa dạng từ nhẹ đến nặng, có thể gây thành dịch lớn. Với những trường hợp nặng (Cúm ác tính) sẽ nhanh chóng dẫn đến suy đa phủ tạng và tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Cúm thông thường (Cúm mùa): thường do các chủng cúm A, B đã lưu hành và không có biến chủng. Chẩn đoán dựa và lâm sàng và dịch tễ.

BỆNH CÚM BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

           Hội chứng cúm:

  • Sốt cao kéo dài 3 – 7 ngày. Có thể sốt kiểu ―V cúm (sốt 3-5 ngày rồi đỡ sốt 1-2 ngày rồi lại sốt cao trở lại).
  • Viêm long đường hô hấp trên: chảy mũi, ho, hắt hơi.
  • Đau họng, ho khan, khàn tiếng, đau tức ngực.
  • Đau đầu: đau đầu vùng thái dương, vùng trán, ù tai, quấy khóc ở trẻ nhỏ.
  • Đau cơ: đau mỏi cơ, khớp toàn thân.
  • Trường hợp nặng: trẻ có thể có các biểu hiện như li bì, hôn mê, co giật, khó thở, tím tái, nôn nhiều, không ăn uống được,…

  CÁCH  LÂY CỦA BỆNH CÚM

Bệnh Cúm là bệnh rất dễ lây lan vì tốc độ phát triển của Virus rất nhanh.

  • Cách lây truyền chủ yếu thông qua giọt bắn khi người mang Virus cúm ho, hắt hơi.
  • Qua dịch tiết của bệnh nhân chứa Virus bám dính vào các bề mặt khi người lành tiếp xúc các chất tiết đó.

BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH CÚM

  • Viêm phổi: khi có bội nhiễm thì bệnh nặng lên rất nhiều, có thể bội nhiễm vi khuẩn, nấm.
  • Nhiễm khuẩn tai – mũi – họng.
  • Tràn dịch màng phổi.
  • Viêm não, màng não.
  • Viêm cơ tim.
  • Suy đa phủ tạng.
  • Đặc biệt với những trẻ có yếu tố nguy cơ cao tăng nặng bệnh như:

- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.

- Mắc bệnh mãn tính khác.

- Cơ địa suy giảm miễn dịch.

- Mắc bệnh 2 lần trong vòng 1 tháng hoặc bệnh đã giảm nhưng lại sốt cao trở lại.

CHẨN ĐOÁN BỆNH CÚM

  • Trường hợp nghi ngờ: Có yếu tố dịch tễ, sốt và các triệu chứng viêm long đường hô hấp.
  • Các trường hợp xác định:
  • Có biểu hiện lâm sàng cúm.
  • Xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm Virus
  • Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm thường được áp dụng hiện nay: xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên, chẩn đoán huyết thanh học, miễn dịch huỳnh quang, PCR, nuôi cấy phân lập Virus.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CÚM

Đối với các trường hợp cúm thường, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc nâng cao thể trạng và phòng bội nhiễm.

  • Hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độC bằng thuốc Paracetmol với liều 10-15mg/kg/lần cách 4-6 giờ, không quá 60mg/kg/ngày, có thể áp dụng thêm các biện pháp hạ nhiệt vật lý như chườm ấm,…
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
  • Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9%, vệ sinh phòng ở và môi trường xung quanh sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, dễ chịu.
  • Ảnh minh họa

PHÒNG BỆNH CÚM

  • Vắc xin: tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là vac xin phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh tay trước khi tiếp xúc với trẻ, chế biến thức ăn, cho trẻ ăn.
  • Đeo khẩu trang, hạn chế tối đa việc tiếp xúc các nguồn lây.
  • Lưu ý: Khi trẻ có các biểu hiện của bệnh cúm, hãy đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để được chẩn đoán, phân loại mức độ bệnh và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng Virus.
  • BS Lò Van - Khoa Nhi BV

Tác giả: Lò Van
Nguồn:BVĐKT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
VĂN BẢN
Thư viện ảnh