A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình níu kéo sự sống của bệnh nhân chạy thận

(BLC) - Sức khỏe, kinh tế suy kiệt, sự sống hàng ngày phải duy trì bằng thuốc và máy móc hỗ trợ song những bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang sinh sống trong khu xóm trọ sát nhà văn hóa tổ 25 (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

Xóm trọ là nhà

Suy thận mạn tính là căn bệnh để chỉ chức năng lọc các chất độc và dịch dư thừa ra khỏi máu của thận đang dần bị suy giảm. Bệnh nhân mắc căn bệnh này ở giai đoạn đầu có thể uống thuốc để điều trị. Trong trường hợp bệnh không suy giảm mà diễn biến xấu, nặng lên thì bắt buộc phải chọn phương pháp chạy thận hoặc ghép thận. Tuy nhiên, kinh phí thay thận rất lớn, không phải bệnh nhân nào cũng có thể theo được, chưa kể đến việc tìm được thận tương thích càng khó hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người mắc căn bệnh suy thận mạn tính trên địa bàn tỉnh phải rời xa gia đình lên thuê phòng ở tại khu xóm trọ sát nhà văn hóa tổ 25 cho tiện việc chạy thận hàng tuần.

Được sự hướng dẫn của cán bộ Tổ công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chúng tôi tìm đến khu xóm trọ của những bệnh nhân chạy thận. Gọi là vậy nhưng thực ra các phòng ở không liền nhau mà do 7 hộ gia đình tận dụng ít diện tích đất chưa sử dụng làm phòng cho thuê. Vì vậy, phòng trọ đều nhỏ, tạm bợ và ẩm thấp. Điều kiện sống chưa đảm bảo nhưng vì nhu cầu chữa trị, 14 bệnh nhân chạy thận đến từ các huyện: Tam Đường, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Tân Uyên và Than Uyên đã tập trung về đây. Người ít cũng ở trọ được 1 tháng, nhiều thì 3 năm. Mặc dù tuổi đời khác nhau nhưng họ đều có chung hoàn cảnh khó khăn, cùng bệnh nặng nên coi nhau như người thân và xóm trọ là ngôi nhà thứ 2.

Theo chia sẻ của các thành viên trong xóm, bệnh nhân chạy thận đông là vậy nhưng mỗi người một hoàn cảnh, trong đó có những hoàn cảnh hết sức đáng thương. Ví dụ như chị Tẩn Thị Nhính ở xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) mới 35 tuổi mà có thâm niên 3 năm chạy thận. Gia đình chị Nhính là hộ nghèo, bố mẹ mất sớm. Chồng chị phải đi bốc vác thuê kiếm tiền lo trị bệnh cho vợ và con gái, tuy nhiên thu nhập không ổn định. Bởi, con gái út là Phàn Thị Linh (10 tuổi) cũng mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Khi Linh được 6 tháng tuổi, gia đình chị phát hiện bệnh. Hơn 9 năm nay, mỗi tháng anh chị đều đặn vượt đường xa đưa con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh truyền máu 1 lần, trung bình mỗi lần truyền 2-3 đơn vị máu.

Ngoài thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân chạy thận đi nhặt sắt vụn, vỏ chai kiếm tiền trang trải cuộc sống ở xóm trọ.

Ôm con gái gầy gò, xanh xao vào lòng, chị Nhính khẽ tựa vào bức tường gần cửa rồi bộc bạch với chúng tôi: “Điều trị bệnh cho con gái lâu ngày đã vất vả, khó khăn, đầu năm 2015 cháu lại bị lá lách to phải tiến hành phẫu thuật cắt. 1 năm sau, tôi phát hiện mình bị bệnh suy thận mạn tính. Khó khăn chồng chất, lúc đó tôi rất buồn, tinh thần suy sụp, ngày nào cũng sống trong nước mắt vì thương con. Nửa năm sau tôi mới lấy lại được tinh thần và quyết tâm vượt lên hoàn cảnh. Hàng ngày, tôi tuân thủ nghiêm chế độ ăn kiêng và uống thuốc điều trị bệnh tại nhà. Một thời gian sau thấy bệnh không đỡ mà tiến triển xấu tôi quyết định đưa con gái lên thành phố thuê trọ để tiện điều trị. 1 tuần tôi chạy thận 3 buổi vào các ngày thứ 2, 4, 6”.

Đứng kế bên chị Nhính, em Tao A Trường (18 tuổi, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn) không giấu được nỗi buồn. Thi thoảng, Trường lại quay về phía người cha câm, điếc ngồi gần đó. Mẹ Trường bỏ đi khi em còn rất nhỏ, mình bố nuôi 2 chị em Trường khôn lớn. Đến lúc chị gái đi lấy chồng, Trường đang học lớp 11 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Nậm Nhùn thì phát hiện bị bệnh.

“4 ngày liền em thấy mệt mỏi, khó thở nên đi khám ở Trung tâm Y tế huyện, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chẩn đoán suy thận mạn tính phải lọc máu. Lúc đầu em không biết đó là bệnh gì, khi hiểu rồi và xác định phải chung với những chiếc máy, bỏ dở việc học hành, em rất buồn. Có điều nghĩ đến bố, em tự động viên mình cố gắng. Từ tháng 8/2017 đến nay, em đi ở trọ để chạy thận. Bố cũng xuống chăm em, nhà cửa, ruộng vườn bỏ hoang. Ở đây, bố em xin đi bốc vác thuê nhưng vì không nói, không nghe được, chỉ 3 ngày đi làm người ta đã bảo nghỉ việc” – Trường kể.

Éo le không kém là hoàn cảnh của chị Lò Thị Ính (54 tuổi, xã Mường Kim, huyện Than Uyên). Chị Ính bị suy thận mạn tính hơn 1 năm nay trong khi chồng thường xuyên đau khớp, đi lại khó khăn. Con gái thứ 3 (trong 4 người con) của chị bị bệnh Basedow 3 năm nay sống nhờ vào thuốc. Còn nhiều nữa những câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của những bệnh nhân chạy thận sinh sống trong xóm trọ chúng tôi được nghe kể lại. Mỗi người một hoàn cảnh, có những nỗi lo, nỗi khổ riêng song trong thời điểm khó khăn nhất, các bệnh nhân ở đây vẫn cố gắng sống, chiến đấu với bệnh tật.

Quyết tâm dành sự sống

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bệnh nhân bị suy thận mạn tính thông thường chạy thận 3 lần/tuần vào các ngày thứ 2, 4, 6 hoặc 3, 5, 7. Thời gian chạy thận khoảng 4 tiếng. Nhận thức được chạy thận đảm bảo thời gian quyết định hiệu quả quá trình điều trị bệnh lâu dài, người bệnh chấp hành nghiêm túc. Sau khi chạy thận đều dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Với những bệnh nhân bị tăng huyết áp chủ động mua máy đo và uống thuốc hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.

“Chúng tôi không có tiền nên dù nhớ nhà 1 năm cũng chỉ về quê 1-2 lần, có thời điểm 4-5 người ở chung 1 phòng (trong khi chỉ có 2 giường) để tiết kiệm chi phí. Hàng ngày, không ai dám ăn quá 15.000 đồng. Vào những thời điểm cần tiền mua thuốc, mua máy đo huyết áp, tôi còn nhịn ăn. Ấy vậy nhưng uống thuốc mà huyết áp đôi lúc vẫn cao ngất ngưởng phải nhập viện điều trị. Tôi đi thì con gái cũng vào theo, hai mẹ con nương tựa vào nhau” - Chị Nhính nói.

Chị Lò Thị Nơi ở xã Mường Cang (huyện Than Uyên) hiện có sức khỏe yếu nhất xóm. Chị mới chạy thận được 6 tháng thì có đến 4 lần nhập viện, lần ít nửa tháng, nhiều thì hơn tháng do trong cơ thể chị ngoài căn bệnh suy thận mạn tính còn bị hở van tim, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao. Ngồi cạnh tôi, giọng chị Nơi yếu ớt: “Sức khỏe yếu, khó thở, tôi không đi lại được lâu, không tự nấu ăn được, vào viện nhiều đến nỗi bác sĩ không cầm bệnh án cũng đọc được tên. Nhiều ngày nay cả khi thức và ngủ tôi đều phải ngồi. Việc nấu nướng, đi lại phải nhờ vào chồng. Nhiều lúc điều trị trong viện tôi còn bị ngất hơn 1 ngày sau mới tỉnh. Thật sự hành trình níu kéo sự sống của bản thân không hề dễ dàng nhưng tôi sẽ quyết đi đến cùng”.

Nỗ lực trong điều trị bệnh, các bệnh nhân ở đây còn tìm kiếm cơ hội việc làm những mong có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Nếu như chị Nhính khi khỏe đi rửa bát thuê ở các quán phở thì chị Lò Thị Chơ ở xã Nậm Hăn (huyện Sìn Hồ) nhặt rau thuê cho quán ăn sẵn. Các chị: Tòng Thị Thơm ở xã Phúc Than (huyện Than Uyên), Hảng Thị Lan ở bản Nậm Dê (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường)… ngày ngày đi nhặt vỏ chai, sắt vụn quanh bệnh viện, tổ dân phố 25 bán lấy tiền. Thu nhập sau những giờ lao động không nhiều nhưng bệnh nhân với bớt khó khăn và cảm thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

Xúc động nhất trong câu chuyện ở xóm trọ chính là tình yêu thương, bao bọc, giúp đỡ nhau giữa các bệnh nhân, giữa chủ nhà với bệnh nhân. Họ sẵn sàng “rút hầu bao” cho bệnh nhân khác vay khi hết tiền, chia sẻ với nhau thức ăn mỗi bữa hay những món quà quê do người nhà gửi lên. Mỗi khi trong xóm có người cần đi bệnh viện gấp, những người trẻ, biết đi xe máy như chị Nhính lại nhanh chóng lên đường bất kể ngày hay đêm. “Bản thân tôi 7 lần đưa bệnh nhân khác nhập viện. Khi người nhà các bệnh nhân đó chưa kịp lên tôi giúp làm thủ tục nhập viện, trông coi, về xóm giúp nhau nấu cơm, giặt quần áo, trợ giúp người tập đi phục hồi chức năng cơ thể”.

Chia tay các bệnh nhân chạy thận trong xóm trọ sát nhà văn hóa tổ 25 khi nắng chiều đã tắt, chúng tôi vẫn nhớ mãi những khuôn mặt suy tư, nụ cười hiếm hoi hay hình ảnh cánh tay bệnh nhân đầy những u cục là vết tích của việc điều trị suy thận mạn tính. Quá trình điều trị bệnh còn dài, sẽ còn nhiều khó khăn bệnh nhân phải vượt qua, rất mong các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh dang rộng vòng tay giúp đỡ. Từ đó, viết tiếp những câu chuyện ý nghĩa giữa đời thường về tình yêu thương trong cộng đồng và truyền cảm hứng cho nhiều bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn tính khác vượt lên hoàn cảnh.

Thanh Hoa

 


Tác giả: Hoaianh
Nguồn:baolaichau.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
VĂN BẢN
Thư viện ảnh