A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ở nơi ánh đèn luôn sáng

Thứ tư, 06/01/2021 - 16:56'

Trời càng về khuya, nhà nhà, người người đã chìm vào giấc ngủ, cả thành phố bao trùm bởi sự yên tĩnh của màn đêm. Thế nhưng, ở Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vẫn luôn sáng ánh đèn. Bởi, các bác sỹ, điều dưỡng nơi đây đang tranh thủ từng phút, từng giây để cứu chữa, giành giật sự sống cho người bệnh.

 

Tận tâm, tận lực cứu người

22 giờ 40 phút ngày 11/12/2020, màn đêm yên tĩnh bị “xé toạc” bởi tiếng còi hú của xe cấp cứu, tiếng í ới gọi nhau của các bác sỹ, điều dưỡng vội vàng đẩy xe tiếp nhận bệnh nhân thương nặng do bị bắn nhầm. Tiếng kêu la của bệnh nhân, tiếng khóc của người nhà bệnh nhân, tiếng bước chân dồn dập của đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng tất cả như một thước phim sống động. Bác sỹ CKI. Hoàng Ngọc Tuyến - Phó phụ trách Khoa Hồi sức Cấp cứu nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân và vội vàng hội chẩn cùng một bác sỹ khác. Cẩn thận xem vết thương trên tay, mặt, cổ, bác sỹ Tuyến yêu cầu điều dưỡng xử lý vết thương, cầm máu cho bệnh nhân. Theo Y lệnh của bác sỹ Tuyến, điều dưỡng Phan Thị Hồng ngay lập tức thực hiện, nhưng có lẽ vì quá đau, bệnh nhân liên tục kêu la. Điều dưỡng Hồng nhẹ nhàng động viên: “Anh cố chịu đau một chút. Tôi làm sắp xong rồi”. Trước khi rời giường bệnh, chị Hồng còn cẩn thận nhắc: “Anh không được cử động nhiều, chúng tôi sẽ đưa anh chụp X-Quang xác định vị trí viên đạn để lấy ra kịp thời”. Còn chị Tẩn Lở Mẩy (vợ bệnh nhân), từ lúc đưa chồng vào cấp cứu vẫn đứng lặng nơi cuối giường, khuôn mặt chưa thôi hốt hoảng, vội vàng chạy theo điều dưỡng Hồng: Xin các bác sỹ hãy cứu lấy chồng tao.

Bác sỹ CKI. Hoàng Ngọc Tuyến (ở giữa) thăm khám bệnh nhân.

Vài phút sau, một chiếc xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến, chẳng ai bảo ai, tất cả bác sỹ, điều dưỡng đều vào vị trí. Chiếc băng ca chở người bệnh nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu. Bệnh nhân nữ chừng 30 tuổi, hai tay ôm chặt bụng rên ừ ừ. Sau khi sắp đặt vị trí cho bệnh nhân, điều dưỡng Nguyễn Thị Nguyệt gọi người nhà đến lấy thông tin ban đầu. Bệnh nhân là Tẩn Thị Dấu (ở xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ) bị đau bụng dẫn đến rét run. Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định siêu âm, lấy máu xét nghiệm và được xác định đau ruột thừa, sau đó chuyển lên Khoa Gây mê phẫu thuật để mổ.

Bên cạnh giường của bệnh nhân Dấu là tiếng khóc của bệnh nhân nhi 44 tháng tuổi Hảng Thị Lù (xã Sìn Suối Hồ, huyện Phong Thổ), đang được bác sỹ gắn nẹp cố định chân phải cho bé. Anh Hảng A Phử (bố cháu Lù) mắt đỏ hoe chia sẻ: “Lúc tối thấy con nô đùa với bạn nhà bên nên tôi không để ý, đến khi nghe tiếng con khóc thất thanh, tôi vội chạy ra thì nhìn thấy cháu bị một chậu cây đổ vào chân. Vợ chồng tôi nhanh chóng đưa con đến viện cấp cứu và được chuẩn đoán bị gẫy 1/3 trên đùi bên phải. Cũng may đến nơi được các bác sỹ cấp cứu kịp thời, không vợ chồng tôi ân hận lắm”.

Lời tâm sự của anh Phử với chúng tôi vừa dứt lời, thì thêm một bệnh nhân, rồi hai bệnh nhân, 5 bệnh nhân… vào khoa. Căn phòng cấp cứu rộng vài chục mét vuông lúc này chật kín người, không khí trở nên ngột ngạt. Thỉnh thoảng tiếng của các điều dưỡng lại vang lên: “Xin mời người nhà bệnh nhân ra ngoài cho chúng tôi làm nhiệm vụ”. Để tránh gây phiền hà cho các bác sỹ, điều dưỡng, tôi tìm một chỗ trống của phòng cấp cứu lặng lẽ quan sát. Đêm nay, kíp trực chỉ có 5 người (2 bác sỹ, 3 điều dưỡng). Công việc nhiều, bệnh nhân đông, nhưng dường như họ đã quá quen với cảnh này và luôn tất bật với công việc: Người hỏi thăm bệnh tình của bệnh nhân, người lên hồ sơ bệnh án, người siêu âm, người chụp phim X-Quang… tất cả được phối hợp rất nhịp nhàng.

Phải đến hơn 1 tiếng sau, khi bệnh nhân đã an toàn chuyển vào các khoa khác điều trị, tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi, bác sỹ CKI. Hoàng Ngọc Tuyến mới có thời gian trò chuyện với chúng tôi: “Các đồng chí thông cảm, công việc bận quá mà thường thì ca trực đêm nào cũng vậy. Cũng may, đêm nay vào cấp cứu cũng chưa có ca nào quá nặng. Tuy nhiên, nếu các bệnh nhân không được cấp cứu, xử trí kịp thời thì hậu quả khôn lường”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng gọi của điều dưỡng: “Anh ơi! mời anh đến hội chẩn cho bệnh nhân vừa vào”. Cứ thế, công việc của các anh, chị lại tiếp tục cho đến khi nào không còn người bệnh vào nữa mới thôi, nhiều đêm cấp cứu bệnh nhân xong thì trời đã sáng.

Những hy sinh thầm lặng

Hiện nay, trung bình mỗi đêm Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 20 - 30 ca bệnh nhân. Vào những ngày nghỉ lên tới 50 - 60 ca bệnh nhân. Mỗi kíp trực thường có 5 người và bắt đầu nhận nhiệm vụ ca trực đêm từ 17 giờ 30 phút đến 8 giờ sáng hôm sau. Điều dưỡng Phan Thị Hồng cho biết: “So với các ngành nghề khác đến phiên trực đêm thì ban ngày được nghỉ, nhưng riêng ngành Y trước ca trực vẫn làm việc bình thường. Nghĩa là một ca chúng tôi phải làm việc 24 giờ. Công việc áp lực, mất ngủ thường xuyên là điều không thể tránh khỏi. Mệt mỏi là vậy, nhưng khi có ca cấp cứu, phải tự mình xốc lại tinh thần để tiếp tục cứu người. Không để cảm xúc chi phối thì mới có thể xử lý mọi tình huống một cách chính xác”.

Khi chưa vào viện, tôi cũng hay xét nét hoặc đổ trách nhiệm lên vai những người mang trên mình màu áo blus trắng. Để rồi khi trắng đêm chứng kiến những vất vả của họ, mới vỡ lẽ nghề nào cũng vậy, rất cần được sẻ chia và thấu hiểu của mọi người. Đặc biệt, với nghề y lại càng cần sự tin tưởng và đồng cảm của xã hội. Đó cũng là động lực để những người làm nghề thầy thuốc vững tâm tiếp tục gắn bó với nghề.

Trong câu chuyện với bác sỹ Tuyến, tôi được nghe anh tâm sự rất nhiều về chuyện đời, chuyện nghề. Vui có, buồn có. Anh bảo: Gắn bó với nghề hơn chục năm, anh luôn được vợ cảm thông, chia sẻ. Nhưng điều khiến anh thấy day dứt là không đủ thời gian cùng vợ chăm sóc các con. Vì công việc của anh luôn bận rộn, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Có lần cả nhà lên kế hoạch đi chơi vào ngày nghỉ, nhưng hôm đó tôi lại không đi được, vì bệnh viện có việc đột xuất.

Theo anh Tuyến, không chỉ anh, đa số các anh, chị em trong khoa nói riêng, những người ngành Y nói chung, thường hy sinh thời gian của mình cho công việc. Hiếm hoi lắm mới được cùng gia đình đi chơi hay về quê ăn tết với người thân. Đã vậy, những năm gần đây, có nhiều người nhà bệnh nhân vì xót người thân không giữ được bình tĩnh đã có những ánh mắt, thái độ và lời nói không hay dành cho đội ngũ y tế. “Rất buồn nhưng bị nhiều rồi cũng thành quen”- anh Tuyến bộc bạch.

Sau một đêm thức trắng cùng kíp trực của Khoa Cấp cứu, tôi thấy mệt nhoài vì thiếu ngủ. Nhưng các bác sỹ, điều dưỡng ấy vẫn thoăn thoắt với công việc của mình như chuyện thường ngày vốn có. Chắc bởi họ quen với cường độ công việc, cũng có thể sức khỏe dẻo dai hơn tôi. Song dù là gì đi nữa, nhưng điều tôi chắc chắn họ sẽ luôn nỗ lực và làm việc hết mình với mục đích duy nhất - cứu người.

Ánh Hồng


Tác giả: Hoaianh
Nguồn:baolaichau.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
VĂN BẢN
Thư viện ảnh