A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiến tới mô hình bệnh viện thông minh

Thực hiện Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 29/12/2017 ban hành tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh (gọi tắt là Thông tư 54), Bệnh viện Đa khoa tỉnh ký kết với  các nhà mạng triển khai ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện để tiến tới năm 2020 chính thức trở thành bệnh viện thông minh.

Thực hiện Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 29/12/2017 ban hành tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh (gọi tắt là Thông tư 54), Bệnh viện Đa khoa tỉnh ký kết với  các nhà mạng triển khai ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện để tiến tới năm 2020 chính thức trở thành bệnh viện thông minh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện đa khoa hạng II có số giường bệnh kế hoạch giao 450, thực kê 591. Cơ sở hạ tầng khang trang, thiết bị hiện đại, Bệnh viện thực hiện 7 chức năng, nhiệm vụ: khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu ứng dụng khoa học, chỉ đạo tuyến, phòng bệnh, hợp tác quốc tế, quản lý kinh tế trong y tế với 27 khoa, phòng (6 phòng chức năng, 13 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng). Mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm, đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, ngay từ năm 2011, Bệnh viện bắt đầu áp dụng hệ thống thông tin và năm 2012 chính thức đưa phần mềm quản lý bệnh viện vào hoạt động và duy trì ổn định đến nay với 10 module. Bao gồm quản lý: đón tiếp, khám bệnh, điều trị nội trú, chẩn đoán hình ảnh, viện phí, xét nghiệm, dược vật tư; hồ sơ lưu trữ; báo cáo thống kê; thiết lập bệnh viện; thiết kế mẫu báo cáo.

Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, bệnh nhân giảm thời gian thanh toán viện phí.

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thực hiện Thông tư 54 và hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh vào năm 2020, trong 2 năm (2017, 2018), Bệnh viện có thay đổi vượt bậc công nghệ thông tin áp dụng vào công tác khám, chữa bệnh giúp giảm thời gian khám bệnh của bệnh nhân và thuận tiện trong công tác quản lý, báo cáo. Bởi, xây dựng bệnh viện thông minh quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ thông tin bằng các phần mềm tiên tiến, hiện đại và hoạt động của bệnh viện được số hóa, cải cách thủ tục hành chính. Cung cấp thông tin mọi lúc mọi nơi, không những trong bệnh viện kể cả bên ngoài có thể cập nhật, đăng ký khám chữa bệnh từ xa. Chúng tôi xác định phải nâng cao chất lượng bệnh viện bằng hệ thống quản lý công nghệ tiên tiến, kết hợp xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, bệnh viện tình thương, hiện đại chứ không chỉ xây dựng riêng bệnh viện thông minh.

Ngay từ khi đi vào hoạt động, năm 2011, 2012, Bệnh viện đã được nhận viện trợ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ đầu tư phần mềm HIS (hệ thống thông tin bệnh viện), PACS (lưu trữ và truyền tải hình ảnh) đến nay lên tới hơn 13 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, công ty Vimess, Tập đoàn Viettel, VNPT đồng hành giúp đỡ thực hiện cơ bản mức độ 4 trong 7 mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám, chữa bệnh, dự kiến hoàn thành mức độ 5 vào năm 2019 và mức độ 6 năm 2020 .

Bệnh viện thực hiện phần mềm HIS theo hướng thông minh và toàn bộ phần mềm đã được nâng cấp. Quản lý nhân sự chia sẻ đồng bộ với Sở Y tế; quản lý hóa đơn điện tử (trước bình quân 30 phút thanh toán/bệnh nhân nay giảm còn 3 phút). Các kho thuốc, tủ thuốc, thuốc nhập tồn quản lý đồng bộ với bảo hiểm y tế, có kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc bằng phần mềm. Trong quản lý xét nghiệp và chẩn đoán hình ảnh không phải in phim, các khoa, phòng có thể truy cập vào mạng trên máy tính hoặc IPad để xem.

Theo lời bác sỹ Thanh, Bệnh viện cũng lắp đặt hệ thống camera giám sát hỗ trợ công tác an ninh trật tự tại một số điểm nóng trong khuôn viên, các khoa, phòng; triển khai lấy số khám chữa bệnh tự động và màn hình thông báo, thiết bị đọc mã vạch (5 thiết bị tại vị trí đón tiếp). Vừa qua, Bệnh viện tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 tới các cơ sở y tế tuyến huyện. Về cơ sở hạ tầng: hệ thống máy chủ, máy tính trạm, đường truyền kết nối mạng được đơn vị đảm bảo đồng bộ, ổn định.

Mặc dù ở huyện Tân Uyên nhưng do bị tiểu đường nên bà Lê Thị Chuyền (thị trấn Tân Uyên) định kỳ hàng tháng phải lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm, lấy thuốc. Bà rất phấn khởi bởi hiện thời gian chờ đợi lấy kết quả ít nên có thể về ngay trong buổi trưa. Bà Chuyền chia sẻ: Nếu trước đây, tôi đi xe ôtô lên đến bệnh viện hơn 8 giờ lại phải xếp hàng chờ thì nay chỉ việc qua cây lấy số tự động và đợi màn hình thông báo là vào khám. Các khâu tư vấn, xét nghiệm, lấy kết quả và thanh toán viện phí cũng rút ngắn thời gian. Không chỉ tôi mà các bệnh nhân khác đã giảm bớt áp lực, mệt mỏi khi phải đến bệnh viện.

Tiến tới năm 2020 chính thức đạt đích bệnh viện thông minh, theo bác sỹ Thanh trong năm 2019, đơn vị sẽ dồn lực thực hiện những công việc còn lại. Trong đó có xây dựng hệ thống mã vạch trong quản lý thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, vật tư hóa chất, thanh toán. Cài đặt phiên bản mới cho 16 module, trong đó có thêm các module quản lý phòng mổ, đồ vải, dinh dưỡng, cấp phát máu, trang thiết bị tài sản cố định, nhân sự. Hệ thống tường lửa đảm bảo an toàn mạng khi kết nối vào hệ thống internet. Bệnh án điện tử, chữa ký số và thẻ khám bệnh thông minh cho phép bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh và tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, Bệnh hiện hiện rất cần được tỉnh bổ sung kinh phí đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng máy móc hàng năm. Đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, phần cứng, phần mềm cho tuyến huyện để đồng bộ với Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Với những khởi động vững chắc và hiệu quả bước đầu mang lại từ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tin rằng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ thực sự được hưởng những dịch vụ tiện tích từ mô hình bệnh viện thông minh theo đúng lộ trình.


Bệnh viện thông minh là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội: không cần dùng giấy tờ, sổ sách, tất cả mọi quy trình được số hóa toàn bộ, đảm bảo an toàn, bảo mật; người bệnh có thẻ thông minh giúp giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi (khi đến khám, chữa bệnh thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ); bệnh án điện tử giúp cho các bác sĩ có thể truy cập bệnh án của người bệnh một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Mô hình này còn giúp việc thống kê, báo cáo được thuận lợi, chính xác; giúp nội bộ bệnh viện cũng như giúp cơ quan quản lý cấp trên nhanh chóng nắm bắt tình hình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Nguồn: baolaichau.vn


Nguồn:baolaichau.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
VĂN BẢN
Thư viện ảnh