A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghề điều dưỡng - Thầm lặng mà vinh quang

Thứ ba, 22/12/2020 - 10:49'

(BLC) - Mỗi công việc đều có những vất vả riêng, nhưng với những người làm công tác điều dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thì khó khăn gấp bội. Bởi, nếu không có lòng yêu nghề, sự tỷ mỉ, sát sao trong công việc khó có thể bám trụ được với nghề.

Những bàn tay lặng lẽ

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 263 điều dưỡng công tác tại 25/28 khoa, phòng. Trong đó, có nhiều khoa bác sỹ, điều dưỡng vô cùng vất vả như: Hồi sức tích cực và Chống độc, Nội, Ngoại, Nhi… Với đặc thù công việc, các điều dưỡng thường có mặt ở Bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, chúng tôi hiểu thêm phần nào về nghề điều dưỡng thường ví như "làm dâu trăm họ". Là Khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng đến điều trị như: chấn thương sọ não, chạy thận, các loại tai biến, nhiễm độc… đòi hỏi điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện.

Anh Nguyễn Hùng - Phụ trách Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Khoa hiện có 21 điều dưỡng nhưng phải chia làm 3 đơn nguyên: hồi sức tích cực, thận nhân tạo và thăm dò chức năng. Bởi vậy, nỗi vất vả, áp lực nhân lên gấp bội. Nhưng với tinh thần hết lòng vì người bệnh, mỗi bệnh nhân đến đây đều được các bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc tận tình, chu đáo từ lúc vào đến ra viện. Hầu hết khối lượng công việc do điều dưỡng đảm nhận từ sắp xếp giường bệnh, thăm khám sơ bộ đến lấy chỉ số sinh tồn, theo dõi các chức năng sống. Tùy vào bệnh tình từng người, điều dưỡng phải làm thêm công việc hút đờm, hút dịch, cấp cứu khi bệnh nhân khó thở, phối hợp với bác sỹ thực hiện y lệnh thuốc…

Theo anh Hùng, làm điều dưỡng hồi sức phải có bàn tay "mềm" nhất, đôi tai thính nhất (đa số bệnh nhân phải dùng máy điều trị bệnh), chỉ cần nghe tiếng động khác lạ như tinh tinh, pip pip phát ra từ hệ thống máy móc biết bệnh nhân đang gặp sự cố gì để can thiệp kịp thời. Việc chăm sóc bệnh nhân cũng rất tỷ mỉ từ ăn, ngủ, vệ sinh, tắm rửa, gội đầu đều do điều dưỡng thực hiện nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho người bệnh. Nhưng chỉ cần sai sót nhỏ ở một khâu nào đó sẽ phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí bằng tính mạng của bệnh nhân.

Điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc gần 1 tháng nay, anh Giàng A Hồ (41 tuổi, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) cảm nhận được sự tận tâm hết lòng vì người bệnh của các bác sỹ và những hy sinh thầm lặng của điều dưỡng dành cho những bệnh nhân như anh. Được biết, anh Hồ nhập viện trong tình trạng kích thích co giật. Sau khi được bác sỹ khám, chụp CT và chẩn đoán có máu tụ dưới màng cứng, đụng dập nhu mô não bán cầu não phải, anh Hồ nhanh chóng được mổ lấy máu tụ để giải phóng chèn ép não phải, song vẫn phải an thần thở máy hoàn toàn. Trong thời gian điều trị, hàng ngày, ngoài được bác sỹ thăm khám, điều trị, anh Hồ luôn được điều dưỡng theo dõi từng hơi thở, nhịp tim, cử động tứ chi, tắm gội, vệ sinh răng miệng, thậm chí là lau rửa khi anh đi vệ sinh… Chính sự âm thầm phục vụ của các điều dưỡng trong Khoa giúp sức khỏe của anh Hồ ngày càng tiến triển tốt. Hiện nay, anh Hồ đã tỉnh, tiên lượng sức khỏe tốt và khả năng phục hồi cao.

 

 

Điều dưỡng Nguyễn Hùng (Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc bệnh nhân.

Với kinh nghiệm 15 năm làm điều dưỡng tại Khoa Nhi, chị Nguyễn Thị Chi - Điều dưỡng trưởng thấu hiểu trách nhiệm công việc mình đang làm. So với các ngành nghề khác thì máy móc có thể thay thế con người trong một số công việc, song nghề điều dưỡng, ngoài cuộc sống mưu sinh, phải thật sự yêu nghề với trụ lại được. Hơn nữa công việc của chị Chi hàng ngày luôn phải tiếp xúc với các em nhỏ, chăm sóc các bé không chỉ bằng ánh mắt, đôi bàn tay, lời nói dỗ dành mà còn là linh cảm nghề nghiệp của một người phụ nữ, người đã làm mẹ.

"Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói nên khi chăm sóc chúng tôi phải nắm rõ tình trạng sức khỏe của trẻ một cách cẩn thận, tỷ mỉ để bác sỹ có hướng điều trị kịp thời. Mỗi bệnh nhân nhi đến với Khoa có tình trạng bệnh, sức khỏe khác nhau. Các bé ho như nào? Khóc ra sao? Ăn uống hay đi vệ sinh được không? Bị sốt có dấu hiệu co giật không?… là điều dưỡng phải biết hết. Điều dưỡng không chỉ cần kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn là sự kiên trì và khéo léo" - chị Chi bộc bạch.

Buồn, vui trong nghề

Trong 12 năm làm điều dưỡng, anh Nguyễn Hùng đã chứng kiến bao niềm vui, nỗi buồn. Anh bảo: Vui cũng nhiều nhưng buồn không ít. Vui vì được chứng kiến những bệnh nhân vào Khoa trong tình trạng "thập tử nhất sinh" đã được các bác sỹ, điều dưỡng tận tình cứu chữa và giành lại sự sống. Để rồi khi ra viện, được thấy nụ cười cùng lời cảm ơn và cả những món quà của người nhà bệnh dành cho bác sỹ, điều dưỡng trong Khoa. Chỉ vài cân gạo, vài cân khoai, chục trứng gà… nhưng ẩn chứa trong đó là sự chân thành. Còn buồn vì Khoa là nơi điều trị đa số là các bệnh nhân nặng, ranh giới giữa sống - chết rất mong manh.

Anh Hùng kể: “Tôi nhớ cách đây 3 năm, có bệnh nhân nữ tầm 14 - 15 tuổi ở huyện Nậm Nhùn vào Khoa điều trị do uống thuốc diệt cỏ tự tử. Dù đã được các y, bác sỹ, điều dưỡng tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Đến nay, tôi không sao quên được ánh mắt thất thần của người mẹ, dáng đi thất thểu của người cha đưa thi thể con ra về trong đêm”.

Đến với nghề xuất phát từ tình yêu con trẻ nhưng khi được trải nghiệm, chị Chi mới thấy quả thực chỉ cần tình yêu thôi chưa đủ, bởi công việc còn đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Bởi, Khoa lúc nào cũng ồn ào với tiếng khóc, tiếng hét của các em bé khi đến giờ tiêm, truyền, uống thuốc. Nhưng nhìn những nụ cười hồn nhiên, câu cảm ơn chân thành trước khi ra viện của gia đình các cháu khiến những người điều dưỡng như chị vui mừng khôn xiết. Do vậy, chị Chi luôn tâm niệm, sẽ làm hết sức mình, chỉ cần một mũi tiêm cho các bé bớt đau, những lời động viên nhẹ nhàng, tư vấn chuẩn xác dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ là những liều thuốc vô giá.

Chị Chi trải lòng: Gắn bó với Bệnh viện từ khi mới chia tách, thành lập tỉnh nên tôi có rất nhiều kỷ niệm buồn, vui trong nghề. Cách đây 9 năm có một thai phụ người Mông ở huyện Phong Thổ bị sinh non. Em bé ra đời mang trong mình nhiều bệnh, nước da tím tái. Bác sỹ cũng giải thích cho người nhà bệnh nhân nguy cơ tử vong của bé rất cao. Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất khó khăn đã nhờ các y, bác sỹ, điều dưỡng trong Khoa chăm sóc, nuôi dưỡng bé. Bằng sự tận tâm với nghề và tình thương con trẻ, sau 1,5 tháng tích cực chăm sóc và điều trị, bé bắt đầu tăng cân, bệnh tình tiến triển tốt và phục hồi rất nhanh. Khi biết tin, người nhà đã vờ òa cảm xúc, đến đón cháu về và cảm ơn sự ân cần, chu đáo của đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng trong Khoa.

Hay gần giao thừa sang năm mới 2019, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện gọi lên Khoa chuẩn bị vật tư y tế đón cháu bé 7 tuổi ở huyện Sìn Hồ chuyển tuyến trong tình trạng suy hô hấp, khó thở, nước da tím tái, cơ thể hạ nhiệt độ. Sau một thời gian cấp cứu, điều trị, bệnh tình của cháu bé ngày càng xấu hơn và không qua khỏi. "Nhìn bố mẹ cháu vật vã khóc, tay bám chặt lấy tôi cùng ánh mắt khẩn cầu, cảm giác đó bây giờ vẫn là nỗi đau xen lẫn bất lực" - vừa nói, chị Chi vừa vội đưa tay lau nước mắt. Dẫu biết cuộc sống ai rồi cũng phải có những giây phút cảnh sinh ly tử biệt nhưng với những người làm nghề điều dưỡng như chị, nhiều lần phải chứng kiến những cảnh đó, thử hỏi làm sao không thấy đớn đau, xót xa.

Mong muốn được sẻ chia

Trong câu chuyện với anh Hùng, chúng tôi được biết vợ anh làm tại Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên cũng đồng cảm và hiểu được công việc đi sớm, về muộn của chồng. Tuy nhiên, điều anh Hùng trăn trở là không phải bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nào cũng hiểu được những áp lực và công việc của những người làm nghề điều dưỡng. "Vì điều dưỡng chúng tôi phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Công việc nhiều lúc quá bận rộn, thậm chí còn cùng bác sỹ cấp cứu bệnh nhân cả đêm không được chợp mắt, sáng mai lại bắt đầu công việc của ngày mới, có lúc rất mệt mỏi. Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh tử vong do bệnh quá nặng, người nhà không kìm được cảm xúc nên nói chúng tôi những điều không hay. Những lúc như thế chúng tôi buồn lắm, vì không cứu được bệnh nhân, lại bị người nhà bệnh nhân xúc phạm nhưng đành im lặng để khi người nhà bình tĩnh rồi động viên, giải thích. Bây giờ, tôi chỉ mong trước khi có những lời nói, cái nhìn không thiện cảm với bác sỹ, điều dưỡng thì mỗi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hãy đồng cảm và tin tưởng chúng tôi" - Anh Hùng chia sẻ.

Với thâm niên nhiều năm trong nghề có “cay đắng ngọt bùi” nào mà điều dưỡng như chị Chi chưa từng trải qua. Chị Chi cho biết: "Cùng với theo dõi sát sao bệnh nhân, trước khi thực hiện một thủ thuật nào, ví dụ như lấy ven để tiêm truyền cho các bé, chúng tôi luôn giải thích cho gia đình bệnh nhân biết nhưng 1 - 2 lần không thành công do cơ thể trẻ mất nước hay bé rất mập… nên khó khăn trong kỹ thuật tiêm, truyền tĩnh mạch. Do xót con, xót cháu nhiều gia đình không hợp tác và có những ánh mắt, lời nói, hành động không giữ được bình tĩnh, làm ảnh hưởng tâm lý của các điều dưỡng. Vì vậy, để chúng tôi làm tốt công việc của mình, ngoài được quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rất mong nhận được sự cảm thông, thấu hiểu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân".

Công việc áp lực nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, anh Hùng, chị Chi và các điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều nói rằng, dù có vất vả đến đâu, họ sẽ cống hiến hết mình vì người bệnh. Và, không món quà nào quý hơn khi được thấy bệnh nhân khỏe mạnh ra về.

Lời chia sẻ của các anh, chị điều dưỡng cũng là nhận định của bác sỹ CKII. Đào Việt Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: "Để mỗi bệnh nhân khỏe mạnh ra viện thì có 70% công sức của những người điều dưỡng. Dù bây giờ, nhiều người chưa thấu hiểu công việc của họ nhưng với tình yêu và sự tận tâm trong công việc, chắc chắn sẽ giúp những người làm nghề điều dưỡng tiếp tục bám trụ với nghề".

Ánh Hồng


Tác giả: Hoaianh
Nguồn:baolaichau.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
VĂN BẢN
Thư viện ảnh